CÂU CHUYỆN SẢN PHẨM MẬT ONG GỪNG ĐEN GIANG SƠN

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi nằm ở phía tây, nơi đây có nhiều xã bán sơn địa với lợi thế về nuôi Ong, trong đó có xã Phúc Thịnh huyện Ngọc Lặc.

          Là một xã có diện tích đồi, núi, đất trồng rừng lớn, tận dụng vào tiềm năng thế mạnh này, nhiều hộ dân ở xã Phúc Thịnh đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi Ong lấy mật nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, nghề nuôi Ong chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chỉ phục vụ gia đình. Những năm gần đây thu nhập từ mật Ong mang lại lợi nhuận lớn và nghề nuôi Ong đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Vì vậy, đã thu hút được nhiều hộ dân tham gia tham gia nuôi Ong. Tuy nhiên sản lượng mật Ong nhiều, lại khó tiêu thụ do người nuôi Ong trong xã chưa khẳng định được chất lượng sản phẩm, chưa  phát triển được thị trường bán sản phẩm.

Hộ nuôi ong Phạm Hồng Quân 
Địa chỉ: Làng miềng xã Phúc thịnh, huyện Ngọc lặc, tỉnh Thanh hoá

Trên cơ sở Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp. Năm 2021, dưới sự chỉ đạo trực tiếp Hội Nông dân các cấp, Hội Nông dân xã Phúc Thịnh đã tổ chức thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi ong xã Phúc Thịnh và được UBND xã Phúc Thịnh ra Quyết định công nhận. Tổ hợp tác chăn nuôi Ong xã Phúc Thịnh với 8 thành viên hoạt động theo quy chế và hợp đồng dịch vụ.

Hội nghị sơ kết hoạt động và kết nạp tổ viên mới của tổ hợp tác
 nuôi ong Phúc thịnh

Với tinh thần đoàn kết cùng nhau phát triển, sau một thời gian thành lập Tổ hợp tác Chăn nuôi Ong xã Phúc Thịnh ngoài phát triển sản phẩm Mật ong nguyên chất, các thành viên trong Tổ mong muốn có một sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của Tổ hợp tác, góp phần tạo ra sản phẩm sử dụng nguồn mật ong sẵn có tại địa phương và làm phong phú thêm sản phẩm kinh doanh từ mật ong cho Tổ hợp tác.

          Từ xa xưa, Gừng là thứ gia vị rất đỗi thân thuộc với người dân Việt Nam ngoài làm gia vị cho các món ăn gừng còn có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. Gừng đã tốt rồi, gừng đen hay còn gọi là ngải tím còn tốt hơn rất nhiều. Nhất là khi gừng đen ngâm mật ong. Gừng đen và mật ong  là 2 loại thực phẩm được nhiều người sử dụng bởi chúng đều mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Các dưỡng chất trong gừng đen có khả năng chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm, giúp quá trình lưu thông máu diễn ra dễ dàng, giúp cơ thể tăng cường hệ tiêu hoá, chữa đau họng, nhức đầu, viêm xoang, dạ dày, giúp điều trị chứng mất ngủ, giúp  ngăn ngừa một số bệnh ung thư và đặc biệt, rất hiệu quả khi chữa cảm lạnh.

Chính vì vậy, Tổ hợp tác đã tìm hiểu, làm ra sản phẩm mang tên “Mật ong gừng đen Giang Sơn” công bố thành phần, công dụng, cách bảo quản, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

          Lấy tên Giang Sơn bởi lẽ nơi đây có dãy núi đá “Hàm Rồng” kỳ vĩ và là ngã ba của hai dòng sông Âm – sông Chu kết hợp, dòng nước trong xanh uốn lượn bao quanh Làng Miềng tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình thắm đượm hồn quê. Với phong cảnh hữu tình, năm 2022 Phù Hương (Làng Miềng) – Khắn Đa (Làng Sòng) đã được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt quy hoạch khu du lịch sinh thái tự nhiên 50ha. Nơi đây có nhiều hộ nuôi ong nhất xã và trong khe núi “Phù Hương” là nơi trước kia có những củ gừng đen đã xuất hiện. Vì vậy Tổ hợp tác đã đặt tên cho sản phẩm của mình là Mật Ong gừng đen Giang Sơn (Sông – Núi).

          Muốn có sản phẩm đạt chất lượng, trước hết phải chọn được mật ong ngon. Mật ong của Tổ hợp tác do chính các thành viên của tổ chăn nuôi và vắt ra những giọt mật tự nhiên. Điều khác biệt trong nghề nuôi ong ở đây là dù vào mùa hè – mùa thu hoạch mật hay mùa đông thì người nuôi ong không bao giờ sử dụng phụ gia khác làm thức ăn cho ong.

Chính vì vậy, chất lượng mật ong của Tổ hợp tác chăn nuôi Ong xã Phúc Thịnh luôn đảm bảo tinh khiết.  Hơn nữa, mật ong được sử dụng công nghệ lọc thô, hạ thuỷ phần, xử lý nấm mốc, axít trong mật ong, lọc siêu mịn để được lâu, làm tăng chất lượng của mật Ong.

Gừng đen sử dụng phải là gừng tươi, có độ già (10 tháng), lòng màu tím, vỏ sần sùi, không bị hư hỏng. Có hương vị cay nồng đặc trưng của gừng đen.

          Gừng đen tươi sau khi được lựa chọn sẽ mang đi rửa sạch, sau đó cho vào máy cạo vỏ. Cạo vỏ xong phơi nắng nhẹ cho ráo nước (Thời gian từ 2 – 3 tiếng).

Tiếp đến, dùng máy thái gừng đen từng lát nhỏ. Phơi nắng nhẹ những lát gừng đen vừa thái (Thời gian từ 1 – 2 tiếng).

Sau khi gừng đen được sơ chế xong sẽ tiến hành ngâm gừng đen và mật ong. Để Mật ong không hỏng phải khử trùng hũ đựng. Sau đó, cho những lát gừng vào hũ. Đổ mật Ong vào hũ với tỷ lệ: 1 kg gừng thái lát và 3kg mật ong. Ban đầu mật ong và gừng ngâm sẽ có màu đỏ tím.

          Mật ong ngâm gừng đen sau 14 ngày có thể sử dụng được. Lúc này Mật ong và gừng quện với nhau tạo nên mùi thơm nồng của gừng, sau thời gian ngâm mật Ong chuyển sang màu đen tím rất hấp dẫn người dùng.

Mật ong ngâm gừng đen được Tổ hợp tác chiết ra các lọ thủy tinh với thể tích 350ml, trên nắp lọ có màng seal là lớp nhôm được niêm phong, dán kín trên miệng lọ. Bên ngoài nắp lọ được niêm phong bằng tem nhãn có logo thương hiệu của Tổ Hợp tác hăn nuôi Ong xã Phúc Thịnh.

Sản phẩm Mật ong gừng đen Giang Sơn đã được tham gia nhiều chương trình quảng bá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin dùng như món quà sức khỏe cho mọi nhà. Điều đó giúp sản phẩm trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo dấu ấn cho khách hàng mỗi lần đến với miền núi xã Phúc Thịnh.

Hiện nay, Tổ hợp tác  đã và đang tạo việc làm cho 05 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng trở lên. Mỗi tháng cơ sở cung cấp ra thị trường trung bình 500 lọ mật ong ngâm gừng đen/tháng, góp phần cải thiện đời sống của các thành viên trong Tổ hợp tác.

          Có thể nói, chính những yếu tố trên đã giúp sản phẩm Mật Ong gừng đen Giang Sơn mở rộng thị trường, đáp ứng được đông đảo thị hiếu của khách hàng và đang hướng tới được cấp thẩm quyền chứng nhận là sản phẩm Ocop tỉnh Thanh Hóa.